Chia sẻ Bài chòi ở Quảng Nam là conpect trong bài viết bây giờ của KM SPico. Theo dõi content để biết chi tiết nhé. Quảng Nam vốn là đất nông thôn dân dã, dân gian đã tạo cho mình thú chơi riêng nhưng hết sức độc đáo mang phong vị làng quê, đậm chất văn hóa nông nghiệp. Một trong những thú chơi dân dã đó chính là bài chòi, tương tự như chơi tổ tôm điếm ở miền Bắc.
Ở các làng quê miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng, trong dịp lễ hội, trò chơi dân gian thường có các trò bắt vịt, bắt chạch, đập chum, leo cây chuối… hoặc các trò diễn như sắc bùa, súc sắc xúc xẻ nhưng hấp dẫn nhất vẫn là bài chòi. Vào dịp hội hè, trong làng rộn ràng lên không khí vui tươi, người làng dựng chòi kê ván hoặc nếu không có chòi thì ngồi ghế để chơi. Xưa kia, các gia đình khá giả thì chơi tứ sắc, tổ tôm, mạt chược, xăm hường… Sau này, khi văn hoá Âu Tây vào Việt Nam thì có các trò chơi dựa theo 52 lá bài tây là trò chơi dành cho người giàu có. Cũng là trò chơi nhưng bài chòi dành cho đại đa số giới bình dân, có xu hướng nghiêng về tính cộng đồng hội hè đình đám và giải trí dân gian. Theo một số nhà nghiên cứu, nếu đúng thể thức thì chơi bài chòi người ta dựng 11 chiếc chòi cao từ 2 đến 3 thước, bên trái có 5 chòi và bên phải có 5 chòi, gọi là chòi con và 1 chòi ở chính giữa là chòi trung tâm hay còn gọi là chòi cái. Thông thường dân gian chơi bài chòi cốt để giải trí, để nghe anh hiệu gõ mõ, hô bài chòi diễn xướng mang đậm tính chất nghệ thuật dân gian. ở đây âm nhạc là nhịp gõ, nhịp trống, kết hợp nhuần nhuyễn với lời hô hát. Lời hô mang nghĩa văn chương bình dân mộc mạc, hình mỗi con bài thì mang dáng vẻ hoạ tiết cách điệu theo phong cách dân gian.
Chơi bài chòi trong lễ hội ở Quảng Nam (Ảnh: TL)
Chơi bài chòi thực hiện theo mỗi chòi con (10 chòi) được phát 3 con bài, trên thân bài có tên con bài, tất cả là 30 con bài. Ở chòi trung tâm có một ống tre lớn dùng để đựng bài cái. Khi trống thúc liên hồi báo hiệu hội bài chòi bắt đầu, những người đánh bài chòi vào chòi con, tay cầm 3 con bài do họ tự chọn lựa ngẫu nhiên. Anh hiệu (người hô) bước ra ống thẻ cái, xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần rút bài anh hiệu hô tên con bài. Chòi nào có đúng quân bài đó thì người chơi cầm mõ gõ lên ba tiếng cắc- cắc-cắc hoặc xướng to lên “ăn rồi” thì anh hiệu sẽ nói lính phụ việc đến trao cho một cây cờ đuôi nheo nhỏ. Đến lúc chòi con nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô “tới” và gõ một hồi mõ kéo dài, lúc này trống tum, trống cán ở chòi trung tâm đánh vang lên. Thông thường cuộc chơi từ 8 đến 10 hiệp là hết một ván bài chòi, lưu lại một hiệp/ván cho Ban tổ chức dùng để chi phí và sau đó tiếp tục kẻ bước xuống người bước lên chòi chơi ván khác.
(Ảnh: TL)
Bộ bài tới thường được in bán ở các chợ làng miền quê vào dịp trước Tết. Bài được in bằng bảng khắc gỗ trên giấy dó. Giấy bản lá bài được phủ qua một lớp điệp rồi được bồi thêm một lớp giấy cứng, mặt sau lá bài được sơn phết màu đỏ huyết dụ, màu xanh lá chuối hay xanh xám. Xưa kia, bộ bài tới kia được in tại làng Sình, còn có tên chữ là làng Lại Ân (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nơi từ thế kỷ XV người dân từ Thanh – Nghệ Tĩnh vào khai phá vùng đất Thuận Hoá đã đem theo nghề truyền thống làm tranh thờ dân gian và tổ chức sản xuất tại làng có quy mô nổi tiếng từ thế kỷ XVI -XVII. Kết hợp với việc làm tranh thờ, từ khoảng ngày 10 đến 29 tháng Chạp, người thợ thủ công làm thêm bộ bài tới, chở thuyền về bán cho chợ Đông Ba, rồi từ đó đưa đi các nơi ở miền Trung. Về sau, do số lượng ít không đủ cung cấp nên một số nhà buôn Hoa kiều thấy bán chạy và có lời nên họ làm số lượng nhiều (in mộc bản) ở vùng Thanh Hà – Gia Hội (Huế) và Hội An (Quảng Nam). Bộ bài tới có thể có nguồn gốc manh nha từ vùng Thanh – Nghệ Tĩnh, về sau khi cư dân Việt mở cõi tiến về Nam, kết hợp với yếu tố văn hóa Chăm pa bản địa để tạo nên sản phẩm trò chơi giải trí này. Dần dần dân gian đặt thêm câu hô và chuyển sang lối chơi tập thể của cộng đồng làng xã.
(Ảnh: TL)
Tên con bài là những tên gọi nôm na, tinh nghịch, tiếng Nôm có, tiếng Hán có… Tên gọi đã mang tính hài hước còn về hình vẽ con bài thì ẩn dụ nhiều ý nghĩa. Người ta chơi bài chòi không chỉ tìm thú vui giải trí trong ba ngày Tết mà còn muốn nghe đến “nghiền” lối hô bài chòi độc đáo, là phần cốt lõi, thu hút người chơi và hấp dẫn nhất. Anh hiệu hô bài chòi phải là người thuộc hết các bài hô truyền khẩu trong dân gian, cộng với tài năng ứng tác, đôi lúc để tăng thêm sinh động thì phải biết “chế thêm” cho hay nhưng phải đúng bài, đúng bản, cốt nội dung lời hô lúc nào cũng đầy bất ngờ, hợp với mạch cộng cảm của cuộc chơi. Từ chỗ lẽ ra chỉ hô tên con bài, anh hiệu biến cách, phá thể bằng hô một hay nhiều câu lục bát ứng tác có mang tên con bài và để gây sự chú ý cho người chơi bao giờ cũng mở đầu bằng câu rao “Quờ mà quớ quơ quớ quơ” và kết thúc là câu “Quơ là … (tên con bài )” mang âm tiết đầy chất giọng Quảng.
Lời hô hát bài chòi truyền khẩu trong dân gian từ đời này qua đời khác, nó phản ánh tư duy thẩm mỹ bình dân của cư dân nông nghiệp. Sau này cũng chính từ dân gian đúc kết lại để ra đời các làn điệu dân ca Nam Trung Bộ như: xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hò Quảng… cộng với ảnh hưởng của lối hát lối nói tuồng mà hình thành bộ môn nghệ thuật sân khấu Kịch hát bài chòi rất độc đáo. Đây chính là nét đặc sắc nhất, là “phần hồn” trong tổng thể giá trị văn hoá phi vật thể ở đất Quảng mà người dân quê đi đâu bao giờ cũng không quên được.
(Ảnh: TL)
Tuy các tỉnh Trung Bộ từ Quảng Trị đến Phú Yên mỗi dịp lễ hội đều có chơi bài chòi, nhưng bài chòi Quảng Nam có quy mô lớn hơn. Hiện nay ở khắp các làng xã ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc, Núi Thành, Tam Kỳ, Quế Sơn… vào dịp lễ hội người dân dựng rạp chơi bài chòi, là trò diễn tổng hợp của nhiều loại hình văn hóa dân gian độc đáo của ông cha xưa còn lại đến ngày nay, và bài chòi Quảng Nam cũng đã có mặt để giới thiệu nét văn hoá độc đáo của xứ Quảng tại nhiều lễ hội ở các địa phương trong cả nước.
Xuân Ring