Sự thật về Chợ hoa Hàng Lược – Nét văn hóa của người Hà Nội là chủ đề trong content bây giờ của KM SPico. Theo dõi content để biết chi tiết nhé. Gọi là chợ hoa Hàng Lược bởi chợ được họp trên phố cổ Hàng Lược và các ngõ phố phụ cận. Hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, chợ hoa Hàng Lược được coi là chợ hoa lâu đời nhất Hà Nội.
Mỗi độ Tết đến, xuân về, phố Hàng Lược lại tấp nập người đi chơi, đi mua sắm Tết. Dù chợ hoa Hàng Lược hiện không còn đông đúc như xưa do sự xuất hiện của nhiều chợ hoa khác trong thành phố, nhưng đây vẫn được coi là một trong những khu chợ thể hiện đậm nét văn hóa của Hà Nội, đi vào tiềm thức, nỗi nhớ của mỗi người Hà Nội
Trăm năm chợ hoa Hàng Lược
Thời nhà Lê, Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ, chuyên làm lược chải đầu. Đến đầu thế kỷ XX, nghề làm lược ở con phố này đã biến mất, thay vào đó là nhà cửa san sát và mặt hàng buôn bán cũng đa dạng hơn. Tuy có nhiều thay đổi cả về ngành nghề cũng như diện mạo, nhưng có một điều không đổi ở tuyến phố này suốt hàng trăm năm qua là chợ hoa Hàng Lược. Phố Hàng Lược ngày nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, dài 264m, nối từ phố Hàng Cót đến phố Chả Cá. Hơn 100 năm kể từ phiên họp đầu tiên, chỉ trừ Tết Đinh Hợi 1947 Hà Nội đang là chiến trường, còn lại không năm nào Hàng Lược không có chợ hoa.
(Ảnh: TL)
Điểm đặc biệt đầu tiên của chợ hoa là chỉ họp một lần duy nhất trong năm, bắt đầu từ 23 tháng Chạp cho đến tận ngày 30 và càng gần Tết thì càng đông. Chợ hoa Hàng Lược kéo dài suốt chiều dài của khu phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi tới cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng nổi tiếng xưa nay bởi sắc hoa tươi thắm lạ thường, được tuyển chọn hơn hẳn những khu chợ hoa khác. Người dân từ khắp các vùng trồng hoa lại mang đào, quất và đủ các chủng loại hoa Tết về họp chợ, tạo nên một không gian náo nhiệt mang đậm không khí Tết của Hà thành. Có lẽ vì nằm giữa 36 phố phường nên những người bán hoa cũng chọn hàng kỹ lưỡng hơn. Những bông hoa tươi nhất, đẹp nhất đều góp mặt tại đây. Không giống như chợ Quảng Bá, hoa thường chất thành từng đống lớn, đống nhỏ, ở chợ Hàng Lược, hoa dường như được chọn lựa kỹ càng hơn rồi mới đem ra bày bán trên kệ thành từng khu riêng biệt. Nhiều nhất ở đây là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường…, trong đó đào được nhiều người từ nơi xa lặn lội đến tìm mua. Có lẽ vì nằm giữa khu phố cổ nên đào rừng bán ở đây rất hiếm, chủ yếu là đào cành, đào thế có hoa đỏ và nhiều cánh. Ngoài hoa tươi, người ta có thể tìm thấy ở đây những lẵng hoa lụa đủ loại đủ màu. Tuy không phải là đặc sản trong ngày Tết nhưng hoa lụa, hoa giấy ở Hàng Lược cũng rất đắt hàng. Giữa những quầy hoa rực rỡ sắc màu là gian hàng bày bán nhiều loại hoa quả độc như bưởi hồ lô, phật thủ… cùng các đồ trang trí, phong bao lì xì. Chừng ấy là đủ để người mua hoa mắt, lưỡng lự trước sắc đỏ ngập tràn.
(Ảnh: TL)
Chợ hoa Hàng Lược thường họp kéo dài suốt từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya, thậm chí sát lúc Giao thừa chợ mới tan bởi những người bán hàng muốn nán lại để bán nốt các cây hoa cảnh. Mặc dù bây giờ mọi người có thể mua hoa, đào, quất… ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ thói quen tới Hàng Lược trong phiên chợ hoa ngày Tết để mua sắm, thưởng thức không khí, vẻ đẹp của chợ hoa.
Đi chơi chợ hoa
Trong tâm trí của người Hà Nội, phiên chợ hoa ngày Tết không phải ở Quảng An, Tây Hồ, Hàng Đậu… mà là chợ hoa Hàng Lược. Người Hà Nội, nhất là những người cao tuổi, ngắm phố hoa Hàng Lược vào mỗi dịp xuân về như một thú tao nhã trước kỳ nghỉ Tết. Có khi cả tuần họp chợ ngày nào cũng đi ngắm để đến hôm 30 mới chọn được cành hoa. Đến đây, người ta được thoả thích ngắm hoa hoặc cảm nhận một nét văn hóa Tết đặc sắc ở mảnh đất ngàn năm văn vật… Người Hà Nội đi chợ hoa thường ngắm nhiều hơn mua. Đó như một thú vui. Thế nên, có lẽ chỉ có người Hà Nội mới nói “đi chơi chợ hoa” mà không phải là “đi chợ mua hoa” như nhiều nơi khác.
(Ảnh: TL)
Có lẽ, bất kỳ người Hà Nội gốc nào cũng có những ký ức tuổi thơ về chợ hoa Hàng Lược, lúc còn nhỏ theo bà, theo mẹ tung tăng nô đùa, xem và chơi chợ. Đi chơi chợ hoa là không vội được, phải nhẩn nha vừa đi vừa ngắm, thỉnh thoảng lại sà vào một hàng hoa bên đường, nhìn ngắm, xuýt xoa vì cây hoa đẹp; nếu ưng mua thì trả giá. Người bán cũng không vì thế mà tỏ ra khó chịu, niềm nở chào mời và vui vẻ tặng nhau một lời chúc mừng năm mới. Có lẽ chính vì vậy mà chợ hoa Hàng Lược được “tín nhiệm” là “điểm đến” hấp dẫn trong những ngày cuối cùng của năm cũ để tìm về những giá trị, vẻ đẹp của văn hoá đất kinh kỳ. Trong những ngày Tết đến xuân về, dạo chơi chợ hoa Hàng Lược đã trở thành một nét văn hóa Tết đặc sắc, một thú chơi tao nhã của người Hà Nội.
Chợ hoa Hàng Lược ngày nay có phần ồn ào và xô bồ hơn trước. Tuy vậy, không ít các thế hệ người Hà Nội năm nào cũng đến đây, đến một lần hoặc vài lần ngắm những cành đào, quất cảnh để tìm lại một phần ký ức của mình và cũng nhận trong lòng sảng khoái, ấm áp hơn. Trời xuân càng khiến hoa thêm tươi, lòng người thêm náo nức và khu chợ hoa vẫn tấp nập bán mua.
Thúy Anh